Vitamin E – Những điều cơ bản cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt – Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa khám bệnh và Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Vitamin E là một thành phần quan trọng giúp duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể và là một chất chống oxy hóa giúp làm chậm các quá trình gây tổn thương tế bào.

1. Vitamin E là gì?

Vitamin E là một vitamin tan trong dầu, có trong nhiều loại thực phẩm như: dầu thực vật, ngũ cốc, thịt, trứng, hoa quả, rau xanh và dầu mầm lúa mạch. Cơ thể con người có thể hấp thu vitamin E từ thực phẩm hoặc qua viên uống bổ sung.

Vitamin E được sử dụng để điều trị cho các trường hợp thiếu vitamin E – tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra ở những người có rối loạn di truyền và ở trẻ sinh non rất nhẹ cân. Vitamin E cũng được sử dụng trong một số trường hợp khác.

2. Những trường hợp nào cần bổ sung vitamin E?

Vitamin E được sử dụng trong nhiều trường hợp như:

  • Rối loạn vận động thiếu vitamin E: rối loạn vận động do di truyền gây thiếu vitamin E nghiêm trọng, do đó trong quá trình điều trị cần bổ sung vitamin E.
  • Thiếu vitamin E: các trường hợp thiếu vitamin E có thể điều trị và phòng tránh rất đơn giản bằng viên bổ sung vitamin E đường uống.
  • Bệnh Alzheimer: vitamin E có thể làm chậm quá trình mất trí nhớ ở bệnh nhân mắc bệnh mức độ trung bình. Bên cạnh đó vitamin E cũng có khả năng làm chậm quá trình tiến triển chung của bệnh, giúp bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình kéo dài khoảng thời gian có thể tự chăm sóc bản thân trước khi cần nhờ cậy đến sự chăm sóc từ người khác. Tuy nhiên vitamin E không thể ngăn chặn hoàn toàn tiến triển của bệnh.
  • Sa sút trí tuệ: một số nghiên cứu gợi ý đàn ông nếu bổ sung đồng thời vitamin E và vitamin C có thể giảm nguy cơ tiến triển một số thể sa sút trí tuệ nhất định, nhưng không có tác dụng giảm nguy cơ đối với sa sút trí tuệ của Alzheimer.
  • Thiếu máu: một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin E làm tăng đáp ứng với thuốc erythropoietin (thuốc kích thích tăng sinh hồng cầu) ở bệnh nhân lọc máu nhân tạo (cả trẻ em và người lớn).
  • Beta – thalassemia: bổ sung vitamin E đường uống dường như có lợi trên những trẻ em mắc beta – thalassemia kèm thiếu vitamin E.
  • Ung thư bàng quang: uống bổ sung 200 IU vitamin E mỗi ngày trong hơn 10 năm dường như giúp giảm nguy cơ tử vong.
  • Bảo vệ mô lành trong hóa trị: sử dụng vitamin E trên da kết hợp với dimethyl sulfoxide (DMSO) dường như có hiệu quả trong việc ngăn chặn hóa chất trị liệu thấm vào mô tế bào xung quanh.
  • Phòng ngừa tổn thương thần kinh trong hóa trị: uống vitamin E (alpha – tocopherol) trước và sau trị liệu với cisplatin có thể giảm nguy cơ tổn thương thần kinh.
  • Đau bụng kinh: uống vitamin E ở thời điểm trước 2 ngày ra huyết, uống trong 5 ngày có thể giảm mức độ và thời gian đau, cũng như giảm lượng máu kinh.
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt: uống bổ sung vitamin E dường như giúp giảm lo lắng cũng như cảm xúc tiêu cực ở một số phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Tăng khả năng sinh sản ở nam giới: nam giới có vấn đề về sinh sản uống bổ sung vitamin E làm tăng tỉ lệ thụ thai, nhưng uống đồng thời vitamin E liều cao với vitamin C không mang lại kết quả tốt hơn.
  • Xuất huyết nội sọ, xuất huyết não thất: bổ sung vitamin E đường uống dường như có hiệu quả trong điều trị xuất huyết nội sọ, xuất huyết não thất ở trẻ sinh non.
  • Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: sử dụng vitamin E đường uống có hiệu quả trong điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.
Vitamin E
Vitamin E có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp

3. Liều bổ sung vitamin E

Các nghiên cứu đã đưa ra liều lượng sử dụng vitamin E như sau: vitamin E sử dụng tương đối an toàn mà không có bất kì tác dụng không mong muốn nào khi sử dụng liều 15 mg hàng ngày đối với người trưởng thành.

Giới hạn sử dụng vitamin E theo độ tuổi:

  • Từ 1 – 3 tuổi: không quá 200 mg/ngày
  • Từ 4 – 8 tuổi: không quá 300 mg/ngày
  • Từ 9 – 13 tuổi: không quá 600 mg/ngày
  • Từ 14 – 18 tuổi: không quá 800 mg/ngày
  • Từ 19 tuổi trở lên: không quá 1000 mg/ngày

Khi sử dụng quá liều vitamin E có thể gặp phải:

  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Nhìn mờ
  • Phát ban
  • Bầm tím và chảy máu

Một số trường hợp đặc biệt nên lưu ý:

  • Phụ nữ mang thai: hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác hại trên giai đoạn đầu của thai nhi nên phụ nữ mới mang thai không nên bổ sung vitamin E trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Đái tháo đường: vitamin E có thể làm tăng nguy cơ suy tim trên bệnh nhân đái tháo đường, do đó những bệnh nhân này cần tránh sử dụng vitamin E liều cao.
  • Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: vitamin E có thể làm tăng nguy cơ tử vong trên những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, do đó những bệnh nhân này nên tránh sử dụng vitamin E liều cao.
  • Thiếu vitamin K: vitamin E có thể làm trầm trọng thêm bệnh trạng ở những bệnh nhân có nồng độ vitamin K quá thấp.
  • Chảy máu: vitamin E có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, do đó cần lưu ý trên những bệnh nhân có nguy cơ chảy máu như bị rối loạn đông máu, sắp phẫu thuật,…
Sự thật ngạc nhiên về tiền đái tháo đường
Bệnh nhân đái tháo đường nên tránh dùng vitamin E liều cao

4. Tương tác thuốc

Khi sử dụng vitamin E cùng các thuốc khác cần thận trọng trong những trường hợp dưới đây:

  • Khi dùng cùng với cyclosporine (neoral, sandimmune): sử dụng liều cao vitamin E có thể làm tăng hấp thu cyclosporine của cơ thể, từ đó làm tăng tác dụng cũng như các tác dụng không mong muốn của cyclosporine.
  • Các thuốc chuyển hóa qua gan (chu trình cytochrome P450 3A4) : sử dụng vitamin E đồng thời với các thuốc chuyển hóa qua gan có thể làm tăng quá trình chuyển hóa thuốc, từ đó làm giảm hiệu lực của thuốc. Một số thuốc chuyển hóa qua gan có thể bị ảnh hưởng là: lovastatin, ketoconazole, itraconazole, fexofenadine, triazolam và nhiều thuốc khác.
  • Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: vitamin E có tác dụng làm chậm quá trình đông máu do đó nếu sử dụng cùng các thuốc có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu sẽ xảy ra nguy cơ chảy máu. Các thuốc đó là: aspirin, clopidogrel, diclofenac, ibuprofen, naproxen, dalteparin, enoxaparin, heparin, warfarin,…
Share

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *