Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy “trẻ, khỏe”

– Những kế hoạch, dự định về tương lai của nhiều người trẻ bỗng chốc sụp đổ khi họ nhận kết quả chẩn đoán “suy thận mạn giai đoạn cuối” từ bác sĩ.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy "trẻ, khỏe"

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy “trẻ, khỏe” (Video: Minh Nhật – Khánh Vân).

“Sống mòn” tuổi đôi mươi vì hỏng thận

Vừa tốt nghiệp đại học, Quyên (tên nhân vật đã được thay đổi) hào hứng bước vào trang mới của cuộc đời. Tuy nhiên, những kế hoạch, dự định về tương lai của cô gái trẻ bỗng chốc sụp đổ khi nhận kết quả chẩn đoán “suy thận mạn giai đoạn cuối” từ bác sĩ.

“Tôi như sụp đổ khi nhận kết quả chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. Tôi phải hỏi đi hỏi lại bác sĩ nhiều lần xem kết quả có đúng hay không”, Quyên nhớ lại.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 1
Những kế hoạch, dự định về tương lai của cô gái trẻ bỗng chốc sụp đổ khi nhận kết quả chẩn đoán “suy thận mạn giai đoạn cuối” từ bác sĩ.

Dễ hiểu về lý do cô gái trẻ khó chấp nhận sự thật về bệnh lý của mình, khi trước đó Quyên hoàn toàn không có dấu hiệu nào bất thường. “Tôi cũng không có thói quen uống bia rượu, ở nhà cũng ăn nhạt”, Quyên giải thích thêm.

Căn bệnh chỉ được phát hiện khi Quyên đi khám sức khỏe để làm hồ sơ xin việc.

Sau một thời gian điều trị bảo tồn, Quyên phải vào Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cấp cứu và điều trị nội trú liên tục 10 ngày. Sau đó, Quyên chuyển sang Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để điều trị lọc máu chu kỳ.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 2
Đều đặn mỗi tối thứ 2, 4, 6, Quyên được bố chở lên bệnh viện để lọc máu chu kỳ.

Ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, Quyên phải gác lại nhiều ước mơ, thay đổi hoàn toàn lối sống vì sự sống hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào “quả thận máy”.

Đều đặn mỗi tối thứ 2, 4, 6, Quyên được bố chở lên bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Ca lọc máu kéo dài 3,5-4 tiếng.

Ngoài việc tiêu tốn nhiều thời gian, “quả thận máy” cũng không thể thay thế hoàn toàn chức năng của phiên bản thật nên sức khỏe của cô gái trẻ bị ảnh hưởng nhiều.

“Tôi phải kiêng hết các việc nặng, sức khỏe chỉ còn phân nửa so với trước khi bị suy thận. Ngoài giờ hành chính làm giáo viên, tôi gần như không làm thêm được gì”, Quyên trầm ngâm.

Quyên cũng là một trong những bệnh nhân lọc máu chu kỳ trẻ nhất tại Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Cách đây vài tháng, anh Huy (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, sống tại Long Biên (Hà Nội) có dấu hiệu bị mệt. Kết quả khám sức khỏe định kỳ ở công ty cho thấy thận của người đàn ông này có vấn đề. Sau khi đi khám chuyên sâu, anh Huy được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối.

Cũng như Quyên, anh Huy không thể tin được mình mắc căn bệnh này khi là người có thân hình cường tráng, ít khi đau ốm và cũng không có thói quen uống rượu bia hay ăn mặn.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 3
Một thời gian ngắn sau khi bị suy thận, anh Huy giảm từ 82kg xuống còn 70kg, thường xuyên mệt mỏi.

Việc phải điều trị lọc máu chu kỳ khiến cuộc sống của cả gia đình anh Huy bị đảo lộn 180 độ.

Một thời gian ngắn sau khi bị suy thận, anh Huy giảm từ 82kg xuống còn 70kg, thường xuyên mệt mỏi.

“Từ khi mắc bệnh, tôi chỉ có thể làm ca hành chính ban ngày. Không còn trực được ca đêm, vốn là nguồn thu nhập chính”, anh Huy chia sẻ.

Thu nhập người đàn ông này giảm đáng kể lại thêm gánh nặng chi phí từ việc chạy thận. Theo anh Huy, dù được bảo hiểm chi trả 80% chi phí điều trị thì hàng tháng, gia đình vẫn phải bổ sung thêm các loại thuốc, sữa để bổ trợ thêm cho sức khỏe. Riêng khoản này cũng tiêu tốn khoảng 2-3 triệu đồng mỗi tháng.

“Lương của tôi bây giờ chỉ đủ để đi lọc máu và mua thêm thuốc men. Chỉ thương vợ bây giờ phải gồng gánh cả gia đình”, người đàn ông ngậm ngùi.

Trẻ hóa bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối

Ca lọc máu chu kỳ tại Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vào buổi tối thứ 2, trong tổng số 16 chiếc giường có đến gần phân nửa là những người bệnh trẻ tuổi.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 4
Trẻ hóa bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhận định, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi phải điều trị lọc máu chu kỳ trong những năm gần đây có sự gia tăng. Đây là một thực trạng rất đáng quan ngại.

“Hiện khoa của chúng tôi đang quản lý khoảng 130 bệnh nhân điều trị lọc máu chu kỳ, chia đều 4 ca. Trong số này, có đến 30-40% bệnh nhân dưới 40 tuổi. Thậm chí, có cả một số bệnh nhân dưới 30 tuổi.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 5
Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 6

Bệnh nhân trẻ bị suy thận phải lọc máu chu kỳ đặc biệt gia tăng mạnh trong vài năm trở lại đây”, TS Tuyên cho hay.

Lý giải nguyên nhân suy thận ngày càng trẻ hóa, theo TS Tuyên, ngoài các nguyên nhân truyền thống như bệnh lý về di truyền, nhiễm trùng, đái tháo đường, thì lối sống ít vận động, không khoa học cũng trở thành yếu tố nguy cơ đặc trưng của thời đại 4.0.

“Lối sống đô thị hóa, chế độ ăn giàu năng lượng, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất bảo quản, lạm dụng rượu bia và lối sống lười vận động là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận”, TS Tuyên phân tích.

Trẻ, khỏe cũng có khả năng bị suy thận

Đáng chú ý, theo TS Tuyên, nhiều người trẻ vì thấy mình khỏe mạnh nên rất chủ quan, không đi khám sức khỏe. Sự chủ quan này dẫn đến việc không thể phát hiện sớm tình trạng suy thận khi chỉ ở giai đoạn đầu, bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh.

“Thậm chí, với cả những người có lối sống lành mạnh cũng có nguy cơ bị suy thận nên tuyệt đối không được chủ quan”, TS Tuyên chỉ rõ.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 7
Ngay cả những người trẻ, khỏe cũng có nguy cơ suy thận.

“Triệu chứng suy thận mạn tính rất mơ hồ. Các bạn trẻ thường tự tin về sức khỏe của mình nên thi thoảng thấy cơn đau đầu thoáng qua hay huyết áp tăng sẽ bỏ qua không đi khám.

Đến khi triệu chứng đã rầm rộ mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, suy thận mạn tính phát hiện sớm, được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn, sinh hoạt và cách kiểm soát bệnh tật sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của suy thận và hạn chế biến chứng suy thận mạn”, TS Tuyên phân tích.

Thực tế tại Khoa Nội thận – Tiết niệu, theo TS Tuyên, các bệnh nhân trẻ hầu hết đều phát hiện mình bị suy thận mạn một cách tình cờ.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 8
Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 9

TS Tuyên phân tích: “Nhiều trường hợp khi đi khám sức khỏe sàng lọc để làm hồ sơ xin việc hay đi khám nghĩa vụ quân sự bất ngờ phát hiện mình bị huyết áp cao hoặc có vấn đề về thận.

Sau đó, bệnh nhân được hướng dẫn đi khám chuyên khoa sâu thì phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối. Phải điều trị thay thế thận suy bằng các hình thức như lọc máu chu kỳ hay lọc màng bụng hoặc ghép thận”.

Theo TS Tuyên, nhiều người trẻ đang lọc máu ở khoa bị suy thận do viêm cầu thận hoặc các bệnh lý về cầu thận. Viêm cầu thận là tình trạng viêm của các mao mạch cầu thận hoặc các bệnh tự miễn gây tổn thương cầu thận. Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi với đa dạng nguyên nhân.

Do đó, người trẻ có lối sống lành mạnh vẫn có nguy cơ bị viêm cầu thận dẫn tới suy thận mạn.

Gánh nặng khổng lồ của “quả thận máy”

Suy thận mạn tính giai đoạn cuối là gánh nặng rất lớn đối với bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và cả xã hội, đặc biệt là khi bệnh nhân còn trẻ.

Với các bệnh nhân, khi bác sĩ chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận suy, với họ thực sự là cú sốc. Bởi bị suy thận, điều trị bảo tồn chi phí đã rất tốn kém, khi bước vào giai đoạn phải lọc máu càng là vấn đề lớn.

“Những người trẻ vốn là lực lượng lao động chính tạo ra của cải, vật chất cho xã hội nếu mắc suy thận, sức lao động bị suy giảm trầm trọng và cứ 3 lần/tuần, mỗi lần 3,5-4 tiếng phải nhờ “quả thận máy” lọc máu”, TS Tuyên phân tích.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 10
Những người trẻ vốn là lực lượng lao động chính tạo ra của cải, vật chất cho xã hội nếu mắc suy thận sức lao động bị suy giảm trầm trọng.

Cuộc sống người bệnh gắn liền với bệnh viện, cách ngày lại phải xếp hàng đi chạy thận bất kể ngày nắng hay mưa hoặc các ngày lễ hoặc tết. Không ít trong số đó buông xuôi vì không có bảo hiểm y tế, hay không gánh được các chi phí khác, phải từ bỏ điều trị, tử vong nhanh chóng.

Theo TS Tuyên, với các bệnh nhân ở độ tuổi dưới 40 đã bị suy thận, thời gian lọc máu có thể kéo dài hàng chục năm hoặc hơn. Điều này tạo gánh nặng rất lớn đối với bản thân bệnh nhân, gia đình và ngành y tế.

“Mỗi bệnh nhân chạy thận bắt buộc phải có nhân viên y tế, máy móc phục vụ và thêm người nhà chăm sóc. Đây là một gánh nặng rất lớn”, TS Tuyên nhấn mạnh.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 11
Bệnh nhân suy thận cũng tạo áp lực lớn lên ngành y tế.

Lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

Mặc dù còn nhiều hạn chế về hiệu quả điều trị, lọc máu vẫn là biện pháp điều trị thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, gánh nặng chi phí điều trị của bệnh nhân ngày càng lớn, trong đó ghép thận có ưu thế hơn về chi phí điều trị.

Chống suy thận: Ăn uống lành mạnh là chưa đủ

Để bảo vệ thận, theo TS Tuyên, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh, trong đó cần hạn chế đưa các chất có hại vào cơ thể. Đặc biệt là rượu bia và chất kích thích sẽ trực tiếp gây tổn thương thận, cũng như khiến cơ quan này bị quá tải khi lạm dụng.

Ngoài ra, chế độ ăn mặn cũng là một trong những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của quả thận.

Người trẻ sống mòn vì hỏng thận: Lối sống vội và bẫy trẻ, khỏe - 12
Để bảo vệ thận, theo TS Tuyên, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh, trong đó cần hạn chế đưa các chất có hại vào cơ thể.

“Chế độ ăn mặn làm tăng nguy cơ bị thận mạn vì tăng điện giải khiến thận phải tăng cường bài tiết. Ngoài ra, ăn mặn làm tăng huyết áp đây là yếu tố nguy cơ cao của bệnh suy thận mạn”, TS Tuyên chia sẻ.

Theo kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, người Việt ăn quá nhiều muối so với nhu cầu khuyến nghị, với khoảng 9,4g muối/người/ngày.

Đáng nói, dù ăn nhiều muối, nhưng người Việt không ý thức được lượng muối đang nạp vào là nhiều.

Theo chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu bạn ăn một bát phở bò tái chín, lượng muối trong đó đủ cung cấp cho cơ thể trong một ngày, với khoảng trên 3,34g muối; trong bát phở bò sốt vang cung cấp gần 483 kcal, chứa tới 4,6g muối.

Với mức khuyến nghị của WHO, không quá 5g muối một ngày, chỉ cần một bữa ăn sáng đã đủ nhu cầu muối cho cơ thể.

Để hạn chế lượng muối ăn qua thực phẩm, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên giảm muối trong khẩu phần ăn, hạn chế sử dụng những thức ăn có hàm lượng muối cao như: các loại đồ kho, đồ muối, đồ hộp, các thực phẩm chế biến sẵn… 

Ngoài một lối sống lành mạnh, TS Tuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ cao như mắc bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp.

“Ở giai đoạn một đến giai đoạn 2, suy thận tiến triển chậm thường không ai tự nhận biết. Từ giai đoạn 2 đến giai đoạn 3, các dấu hiệu bộc lộ và từ giai đoạn 3 đến giai đoạn 4 tiến triển rất nhanh, bệnh nhân phải lọc máu.

Vì thế, việc khám định kỳ là đặc biệt quan trọng. Từ đó, các bác sĩ có thể phát hiện, điều trị để bệnh tiến triển chậm nhất có thể. Bệnh nhân suy thận khi phát hiện cần điều trị đúng cách, điều trị đúng chuyên khoa, phải được bác sĩ chuyên khoa sâu tư vấn thật kĩ”, TS Tuyên khuyến cáo.

Share

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *