Nghệ lành và tốt nhưng nhiều người tránh dùng kẻo gặp nguy

Nghệ lành và tốt, phòng chữa nhiều bệnh và làm đẹp da nhưng với không ít người, ăn nghệ lại không tốt cho sức khỏe, thậm chí gây suy đa tạng, sốc phản vệ… nguy hiểm tới tính mạng. Vậy những ai không nên ăn nghệ?

Nghệ lành và tốt nhưng nhiều người dùng sẽ hại sức khỏe - Ảnh: BSCC
Nghệ lành và tốt nhưng nhiều người dùng sẽ hại sức khỏe – Ảnh: BSCC

Nghệ tốt nhưng nhiều người suy đa tạng…

Dân ta vẫn quan niệm nghệ lành, chữa nhiều bệnh, đặc biệt là chữa dạ dày, bổ máu và phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, các bệnh viện đã phải chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân tắc ruột, dị ứng, thậm chíbị khó thở, lở loét toàn thân, suy đa phủ tạng nguy hiểm tới tính mạng vì cơ địa dị ứng với nghệ.

Giải thích về điều này, bác sĩ Hoàng Xuân Đại, nhiều năm làm việc tại Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng cho biết nghệ vàng là một loại cây thuộc họ gừng, được các nhà khoa học nghiên cứu chứng minh những thành phần trong tinh dầu nghệ có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người, như có hoạt tính chống viêm cấp tính và mãn tính. 

Chống loét dạ dày và loạn tiêu hóa do có chứa curcumin giúp dự phòng và cải thiện những thương tổn ở dạ dày do kích thích sản sinh chất nhầy. Tác dụng kháng khuẩn, kích thích tái tạo các tổ chức bị tổn thương và liền sẹo…

Nhưng cũng có nhiều người lại bị dị ứng với nghệ rất có thể là loại nghệ ấy trồng ở vùng đất có những chất dễ gây ra dị ứng, nên khi sử dụng cũng bị dị ứng, hoặc có người cơ địa dễ phản ứng với các thành phần chứa trong củ nghệ, mà cho đến nay chưa có bất kỳ kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh được điều này.

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi sử dụng vài giờ, có người chỉ vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), rất ngứa, nôn nao khó chịu. 

Nếu nhẹ chỉ vài giờ sau triệu chứng sẽ lặn. Trường hợp nặng thì ngoài nổi ban và ngứa, còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở… Cũng có trường hợp nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ, dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Bệnh viện 103, cho biết nghệ là một vị thuốc rất tốt, có tính năng chống dị ứng hiệu quả cao. Đó là vì trong nghệ có hoạt chất sinh học tên là curcumin. Đây là một chất có khả năng chống dị ứng và chống oxy hóa rất mạnh. Nhưng một số người lại bị dị ứng với nghệ.

Đó là vì trong nghệ có chứa một số axit béo thực vật. Các axit béo này nằm trong tinh dầu nghệ nên có khả năng gây ra dị ứng mạnh. Trong 100g nghệ có chừng 9,8g chất béo dạng này. 

Thêm vào đó, một số phân tử protein nhỏ trong nghệ cũng dễ dàng thẩm thấu qua thành ruột và da gây ra phản ứng dị ứng. Trong 100g nghệ có chừng 7,8g chất protein dạng này. Người bị dị ứng với nghệ chính là dị ứng với hai chất này chứ không phải dị ứng với curcumin.

Những người không nên dùng nghệ

Theo bác sĩ Trần Đức Cảnh, khoa nội soi Bệnh viện K, có một số đối tượng không nên sử dụng tinh bột nghệ vì một số tác dụng của nó có thể gây hại cho sức khỏe của họ:

– Phụ nữ mang thai

Tinh bột nghệ có chứa chất làm giảm khả năng đông máu, gây chảy máu, kích thích cổ tử cung đối với phụ nữ có thai. Nên chị em nào đang có thai hoặc sau khi sinh thì không nên sử dụng tinh bột nghệ.

Nếu muốn dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước, thông thường cũng chỉ dùng tinh bột nghệ từ 1 – 2 lần/ngày, phụ nữ sau khi sinh mổ chỉ nên dùng sau sinh 2 tuần.

Với chị em đang cố thụ thai thì cũng nên cẩn trọng, hạn chế sử dụng tinh bột nghệ, bởi trong nó có chất làm giảm nồng độ testosterone, lượng tinh trùng của nam giới, khiến bạn khó thụ thai.

– Người đang bị bệnh thiếu máu

Tinh bột nghệ có tác dụng làm tan máu ứ đọng, máu bầm trong cơ thể, khi người bị thiếu máu sử dụng lại có thể dẫn đến tình huống xây xẩm mặt mày, thậm chí là thiếu sắt nghiêm trọng.

Đồng thời, để cải thiện tình trạng thiếu máu, bạn có thể tham khảo sử dụng thêm một số sản phẩm vitamin và khoáng chất giúp bổ sắt và acid folic. Từ đó, tình trạng bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm và tránh các biến chứng không mong muốn.

– Người bệnh tiểu đường

Hàm lượng curcumin trong nghệ có thể làm giảm lượng đường trong máu. Bệnh nhân tiểu đường nên chú ý khi bổ sung bột nghệ để tránh lượng đường trong máu quá thấp sẽ gây nguy hiểm. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

– Bệnh nhân trào ngược dạ dày

Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy tinh bột nghệ có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị rối loạn tiêu hóa, dạ dày. Tuy nhiên chúng lại có thể gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc kháng axit.

Khi dùng chung với thuốc kháng axit như tagamet, pepcid, zantac, nexium hoặc prevacid thì nghệ có thể làm tăng axit dạ dày, gây các cơn đau ngoài ý muốn. Lưu ý không sử dụng chung tinh bột nghệ với thuốc kháng axit.

– Người bệnh sỏi thận

Sỏi thận là những tinh thể được hình thành do sự lắng đọng của muối và các chất khoáng như canxi oxalat. Nghệ cũng chứa nhiều oxalat, có thể liên kết với canxi và gây hình thành sỏi thận.

Vì vậy, các chuyên gia thường khuyến cáo những người đang bị sỏi thận và tắc nghẽn đường mật nên đề phòng khi sử dụng sản phẩm chứa chất curcumin.

– Người chuẩn bị phẫu thuật

Nghệ có khả năng ngăn ngừa đông máu nên những người làm phẫu thuật cần ngưng tiêu thụ nghệ trong khoảng hai tuần trước khi phẫu thuật. Nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến chảy máu nhiều, khó cầm máu trong và sau khi phẫu thuật.

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi, nghệ vị cay đắng, tính ôn, vào hai kinh can và tỳ, nghệ có tác dụng phá ác huyết, huyết tích, kim sang và sinh cơ (lên da) chỉ huyết. Nhưng nếu âm hư mà không ứ trệ cấm dùng; các bệnh sản hậu (sau khi đẻ) mà không phải nhiệt kết ứ, đàn bà có thai, rong kinh kéo dài cũng không nên dùng.

Dùng nghệ phải có liều lượng, kể cả sử dụng nghệ nén hoặc nghệ viên như là một phương thuốc bổ sung cho sức khỏe cũng cần sự tư vấn của bác sĩ.

Share

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *