– Việc thêm sữa và kem vào cà phê sẽ làm tăng thêm lượng calo không cần thiết. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chứng minh rằng sữa sẽ làm giảm lượng polyphenol trong cà phê mà cơ thể có thể hấp thu.
Cà phê có chứa các chất chống oxy hóa và có liên quan đến việc giảm nguy cơ tiểu đường type 2, bệnh Parkinson, sỏi mật, ung thư gan, xơ gan và có thể là cả bệnh Alzheimer.
Cà phê còn có liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, bên cạnh đó caffeine cũng có những nhược điểm như: làm tăng cảm giác lo âu, gián đoạn giấc ngủ và có thể gây đau bụng.
Cách lựa chọn loại cà phê tốt nhất cho sức khỏe
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, việc xác định loại cà phê nào tốt nhất cho sức khỏe phụ thuộc vào mục tiêu sức khỏe của bạn.
Nếu muốn giảm cân, bạn nên lựa chọn loại cà phê chứa ít calo hoặc không calo. Nếu bị nhạy cảm với caffeine hoặc bị lo âu, mắc bệnh tim mạch, bạn cần sử dụng loại cà phê đã tách caffeine (decaf).
Cà phê decaf vẫn có chứa các chất chống oxy hóa và rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng cà phê decaf có các tác dụng về sức khỏe tương tự như cà phê thông thường.
Nếu bị tiểu đường, bạn cần giảm lượng đường thêm vào mỗi ly cà phê.
Nếu muốn chống lại bệnh tật bằng chế độ ăn chống viêm, ly cà phê của bạn nên có một chút quế hoặc nghệ.
Cơ thể xử lý lượng caffeine nạp vào như thế nào cũng là một yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn loại cà phê tốt nhất cho mình, bởi mỗi người sẽ có khả năng chuyển hóa caffeine khác nhau.
Công thức tạo ra ly cà phê tốt nhất cho sức khỏe
Theo Healthline, rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến “sự lành mạnh” của một ly cà phê, bao gồm:
– Lượng chất tạo ngọt thêm vào.
– Lượng sữa, kem thêm vào.
– Hàm lượng chất chống oxy hóa.
– Phương pháp pha chế (pha phin, pha máy…)
Một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng đến sự lành mạnh của một ly cà phê đó là loại cà phê, hãng cà phê, phương pháp rang, xay.
Cũng quan trọng không kém đó là lượng cà phê mà bạn tiêu thụ. Với bất cứ loại cà phê nào, tiêu thụ với lượng vừa đủ là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Cà phê đen, không pha trộn thêm bất cứ thứ gì sẽ không cung cấp calo. Tuy nhiên, khi bắt đầu thêm đường, sữa, kem và hương vị vào, cà phê có thể sẽ trở thành một loại đồ uống cao năng lượng và không được lành mạnh lắm.
Có rất nhiều lý do tại sao việc thêm sữa và kem vào cà phê lại làm giảm lợi ích về sức khỏe của loại đồ uống này.
Điều đầu tiên là việc thêm sữa và kem vào sẽ làm tăng thêm lượng calo không cần thiết. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chứng minh rằng sữa sẽ làm giảm lượng polyphenol trong cà phê mà cơ thể có thể hấp thu.
Nói cách khác, việc thêm kem, sữa vào cà phê sẽ làm giảm khả năng hấp thu các chất chống oxy hóa tốt cho hệ tim mạch có trong cà phê.
Cho quá nhiều đồ ngọt vào cà phê còn có ảnh hưởng tiêu cực lên cơ thể. Bạn có thể sử dụng các thành phần tạo ngọt không calo từ thiên nhiên như: cam thảo hoặc cỏ ngọt để thay thế.
Nghiên cứu năm 2020 chỉ ra rằng, nhiệt độ ủ cà phê không tạo ra quá nhiều sự khác biệt về hàm lượng chất chống oxy hóa và hàm lượng khoáng chất.
Tuy nhiên, nếu để cà phê nóng quá lâu cũng sẽ có những sự ảnh hưởng nhất định. Chìa khóa của việc pha cà phê chính là không để cà phê trong thời gian quá lâu ở nhiệt độ quá cao vì các thành phần có lợi của cà phê có thể sẽ bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Một số loại hạt cà phê sẽ tốt cho sức khỏe hơn các loại khác. Nghiên cứu cho thấy cà phê Robusta chưa rang có chứa lượng chất chống oxy hóa cao gần gấp đôi so với cà phê Arabica chưa rang.
Tuy nhiên, sự khác biệt này sẽ biến mất khi tiến hành rang xay. Robusta rang xay nhẹ sẽ có nhiều chất chống oxy hóa hơn Arabica rang xay nhẹ, nhưng khi rang xay mức độ trung bình và rang đậm thì Arabica lại có nhiều chất chống oxy hóa hơn Robusta.
Do đó, để thu được nhiều lợi ích dinh dưỡng nhất, bạn nên uống cà phê càng ít thêm đường sữa vào càng tốt. Một ly cà phê không đường, rang xay ở mức độ trung bình sẽ là ly cà phê tốt nhất. Cần lưu ý, không nên uống quá 50-100mg caffeine (2-3 ly cà phê/ngày).