Điều trị mụn trứng cá dùng thuốc gì nhanh khỏi?

– Mụn trứng cá hình thành là do sự rối loạn của nang lông tuyến bã. Có rất nhiều sản phẩm dùng điều trị mụn trứng cá. Dưới đây là 3 hoạt chất cần lưu ý nếu bạn sử dụng.

1. Retinoid – Hoạt chất không thể thiếu trong điều trị mụn trứng cá

Retinoid là thành phần đầu tay, không thể thiếu trong điều trị và phòng ngừa mụn trứng cá. Điều này là do retinoid tác động vào cả 4 cơ chế gây mụn trứng cá chính, gồm:

  • Tăng tiết bã nhờn.
  • Sừng hóa nang lông.
  • Vi khuẩn P.acnes.
  • Phản ứng viêm.

Retinoid có tác dụng giảm dày sừng, tiêu cồi mụn, giảm bít tắc, giảm tạo nhân mụn, tăng tốc độ đổi mới tế bào, điều tiết tuyến bã, ức chế quá trình viêm (đặc biệt khi kết hợp cùng kháng sinh + benzoyl peroxide (BPO) và giảm nguy cơ hình thành sẹo nông.

Retinoid rất có ích khi sử dụng cho các tình trạng mụn trứng cá không viêm (mụn đầu đen, đầu trắng – hay còn gọi là mụn ẩn), bởi khả năng đổi mới tế bào và bạt sừng rất tốt. Sau khi thoa thuốc, mụn ẩn sẽ trồi lên hết bề mặt, khô lại và rụng dần đi.

Thuốc bôi điều trị mụn trứng cá hiệu quả - Ảnh 1.
Cần thoa thuốc điều trị mụn trứng cá theo hưỡng dẫn để việc điều trị đạt hiệu quả.

Với làn da có cả mụn không viêm và ít mụn viêm nhỏ (đỏ và có mủ trắng), vẫn có thể sử dụng retinoid nhưng nên kết hợp thêm BPO hoặc các sản phẩm có thêm kháng sinh tại chỗ như clindamycin để chấm lên các điểm mụn viêm giúp giảm viêm, khô cồi, tiêu diệt vi khuẩn (như azaroin, klezitC…)

Với tình trạng mụn trứng cá nặng hoặc rất nặng (hỗn hợp cả mụn đầu đen, đầu trắng, mụn viêm, mụn bọc (mụn viêm với đường kính trên 5mm) thì không nên tự sử dụng đơn độc retinoid. Bởi lúc này làn da đang rất nhạy cảm, nếu sử dụng retinoid đơn độc có thể khiến tình trạng da kích ứng tồi tệ hơn, bùng mụn mất kiểm soát. 

Trường hợp tình trạng mụn nặng này nên tìm đến bác sĩ da liễu để được tư vấn dùng thuốc bôi kèm thêm kháng sinh và BPO để kiểm soát tình trạng viêm tốt hơn. Trường hợp nặng có thể cần dùng isotretinoin theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Retinoid có nhiều hàm lượng, nhiều tên gọi như: Retinol, tretinoin, adapalene, tazarotene. Trong đó:

– Retinol 0.5 % là nồng độ nhẹ nhàng dành cho trường hợp mới bắt đầu làm quen với hoạt chất này. Retinol 0.5 % thích hợp cho da ít mụn và giúp da căng bóng, chống lão hoá là chủ yếu.

Nồng độ thấp sẽ giúp hạn chế rủi ro cho da nhạy cảm kích ứng. Tuy nhiên, khả năng trị mụn khá mờ nhạt. Nếu trường hợp bị mụn ẩn nhiều, da dày sừng mà dùng hàm lượng thấp sẽ không có tác dụng rõ rệt, tốc độ đẩy mụn chậm. Dù vậy, để điều trị mụn trứng cá thì bước đầu nên thoa hàm lượng này để làn da làm quen dần.

– Retinol 1% là nồng độ khá mạnh có thể trị mụn trứng cá, chống lão hoá. Tuy nhiên vì mạnh nên có thể gây kích ứng nếu lần đầu tiên thoa retinoid. Do đó cần dùng tần suất thấp trước để làm quen và nên dùng kèm các sản phẩm dưỡng phục hồi để tránh kích ứng da.

– Tretinoin 0.025 là nồng độ an toàn nhưng vẫn đủ mạnh để điều trị mụn. Trường hợp mụn ẩn nhiều, nền da khỏe, dày sừng có thể bắt đầu luôn với tretinoin 0.025. Tretinoin 0.025 sẽ giảm mụn ẩn nhanh chóng hơn và ít đẩy viêm hơn. Hiệu quả cũng nhanh hơn retinol.

– Tretinoin 0,05 là nồng độ lý tưởng nhất trong điều trị mụn, hiệu quả nhanh và gần như không lên viêm. Tuy nhiên, hàm lượng này dễ khiến da bị kích ứng dẫn đến đỏ, rát. Do đó sau khi thoa thuốc, nếu thấy hiện tượng đỏ rát thì nên ngừng thuốc và thực hiện các bước dưỡng ẩm phục hồi da. Sau đó nếu muốn sử dụng tiếp thì cần test và nghe ngóng tình trạng da có đáp ứng tốt với điều trị hay không.

– Adapalene 0.1%: Nếu dùng dạng kem sẽ gây bí da nhẹ. Thuốc có tác dụng giảm dày sừng tốt nhưng dễ đẩy viêm. Nếu dùng dạng gel sẽ thoáng nhẹ da hơn, đẩy mụn tốt.

Một số tác dụng phụ khi dùng retinoid như: Kích ứng, đỏ da, khô da, bong da, viêm da… Đặc biệt là tretinoin tình trạng kích ứng thường xuyên gặp hơn. Do vậy, cần có sự theo dõi của bác sĩ hoặc người có chuyên môn khi sử dụng.

2. Benzoyl peroxide

Benzoyl peroxide (BPO) có hoạt tính kháng khuẩn mạnh và làm giảm số lượng vi khuẩn P.acnes trên da. PBO hoạt động theo cơ chế giải phóng nguyên tử oxy nhằm tiêu diệt vi khuẩn kỵ khí P.Acnes, tiêu cồi mụn, kích thích bong sừng.

BPO đặc biệt hiệu quả với mụn nang, mụn viêm mủ và không gây ra tình trạng “nhờn thuốc” như các hoạt chất khác khi sử dụng trong thời gian dài.

BPO có nhiều nồng độ như 2.5, 5% và 10%. Nên bắt đầu sử dụng nồng độ thấp nhất sau đó tăng dần nếu cần để giảm kích ứng da. BPO có thể hiệu quả điều trị mụn hơn khi kết hợp cùng adapalene hoặc salicylic aicd trong công thức.

Hoạt chất này có thể gây kích ứng, đỏ da, rát da… nếu dùng nồng độ cao và bôi diện rộng. Thuốc có tác dụng làm khô quá nhanh khiến phần da bọc bên ngoài mụn bị khô, dày sừng và chai cứng. Từ đó dẫn đến các lần điều trị tiếp theo, BPO không thể thẩm thấu thuận lợi qua lớp da chai này để tiến tới ổ viêm bên dưới.

Để tránh tình trạng, kích ứng và chai mụn khi dùng BPO, nên:

– Chỉ chấm BPO lên điểm mụn sưng viêm.

– Không bôi tần suất quá dày, chỉ bôi 1 lớp mỏng lên vết mụn, mỗi ngày 1 lần.

– Có thể chấm sản phẩm chứa BPO lên nốt mụn sau khi đã dưỡng ẩm da, không nên bôi trần trên nền da khô.

– Nên chọn sản phẩm chứa BPO có thêm BHA hoặc adapalene. BHA sẽ hỗ trợ loại bỏ các lớp da khô và làm mềm da giúp BPO dễ dàng xâm nhập và tiêu diệt P. acnes. Bằng cách này các nốt mụn không bị chai hóa giúp quá trình điều trị đạt kết quả tốt hơn.

Thuốc bôi điều trị mụn trứng cá hiệu quả - Ảnh 3.
Khi thoa thuốc trị mụn trứng cá cũng không nên lạm dụng mà thoa thuốc quá nhiều.

3. Azelaic acid

Sau retinoid thì azelaic acid là thành phần trị mụn rất hiệu quả. Hoạt chất này loại bỏ mụn trứng cá thông qua cơ chế tiêu sừng, kháng viêm. Nồng độ azelaic 20% có tác dụng tương đương với tretinoin 0.05% và benzoyl peroxide 5% nhưng ít kích ứng hơn. 

Azelaic hiệu quả với các trường hợp mụn:

– Mụn viêm: Azelaic acid có thể thấm sâu vào các lỗ chân lông và loại bỏ triệt để những vi khuẩn trong nang lông, giảm sưng viêm, từ đó gom cồi rất tốt và đẩy cồi mụn ra ngoài.

– Mụn ẩn: Do azelaic acid có tính năng bạt sừng, tăng cường thay mới tế nào, thanh tẩy bớt tế nào chết, làm thông thoáng lỗ chân lông và điều tiết tuyến dầu, nên thích hợp với các trường hợp mụn ẩn.

– Thâm mụn, sạm nám: Do azelaic acid có tính năng ức chế men chuyển hoá tyrosinase tạo ra melanin. Ngoài ra azelaic còn có tác dụng làm mờ những vết thâm sau mụn, đốm nâu, sạm nám. Việc sử dụng azelaic acid 20% sẽ mang lại hiệu quả tương đương với 2-4% hydroquinone – một chất làm trắng da nhưng có nhiều tác dụng không mong muốn.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, khi mụn trứng cá đã ở mức độ nặng, rất nặng, thì không nên tự ý sử dụng đơn độc hoặc kết hợp bất kỳ sản phẩm nào mà nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn thêm thuốc uống hoặc các liệu pháp ánh sáng để tránh tình trạng bùng phát mụn mất kiểm soát.

Tác dụng phụ của azelaic acid như kích ứng, đỏ da, bong da, khô da. Tác dụng không mong muốn này có thể xuất hiện thời gian đầu sử dụng hoặc thi thoảng trong quá trình điều trị.

Share

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *