– Theo Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20% và ngày càng trẻ hóa. Các bác sĩ đã cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40.
Chia sẻ tại hội nghị Tim mạch Hà Nội diễn ra ngày 30/9 với chủ đề “Chân trời mới trong tim mạch”, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, trong nhiều năm qua, bệnh tim mạch luôn được ví như “kẻ giết người số 1 thế giới”. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Vì thế, các bệnh lý về tim mạch luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của Việt Nam cũng như thế giới.
Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, tổng hợp từ các nghiên cứu gần đây, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
“Tiếp xúc với những vật chất nhỏ như giọt bắn hay bụi mịn trong khí thải từ ô tô, xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ khoảng 10-20%”, PGS Hiền nhấn mạnh.
Theo Bệnh viện Tim hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20% và ngày càng trẻ hóa.
10 năm trước, mỗi năm Bệnh viện tim Hà Nội làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Hiện nay, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm.
Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trẻ (25-40 tuổi) đến khám và điều trị cũng ngày càng tăng trong những năm gần đây. Các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40.
Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… thì nay, các bệnh này đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.
“Bệnh tim mắc phải liên quan chuyển hóa tăng lên rất nhiều, đặc biệt các bệnh động mạch chủ, động mạch vành tăng đột biến khoảng 15-20%. Nguyên nhân do sự gia tăng của nhiều yếu tố nguy cơ như stress, lối sống lười vận động, chế độ ăn không hợp lý, ăn quá nhiều thịt, ăn nhiều đồ chiên rán…”, PGS Hiền phân tích.
Đáng lưu ý, có đến 44% người 25-74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi.
Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì. Tình trạng này sẽ dẫn đến sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lý tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.
Trẻ hóa bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật.
Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Hội nghị tim mạch Hà Nội thu hút gần 2.000 đại biểu với hơn 200 báo cáo khoa học đến từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch trong và ngoài nước (như Mỹ, Pháp, Singapore, Nhật, Hàn Quốc…).
Hội nghị cũng tạo điều kiện cho việc hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, kết nối với các hiệp hội tim tại châu Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe tim mạch cộng đồng.