8 đối tượng nên nhập viện ngay khi mắc sốt xuất huyết

 – Phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết được điều trị ngoại trú, theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý 8 trường hợp nên cân nhắc nhập viện.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền.

Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

8 đối tượng nên nhập viện ngay khi mắc sốt xuất huyết - 1
Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương (Ảnh: Thành Đông).

Tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội… dịch cũng có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 27 (7/7-14/7), Thủ đô ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.

Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận hơn 1.000 ca sốt xuất huyết, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết dengue đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. 

Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết dengue, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau:

– Sống một mình.

– Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.

– Gia đình không có khả năng theo dõi sát.

– Trẻ nhũ nhi.

– Dư cân, béo phì.

– Phụ nữ có thai.

– Người lớn tuổi (≥60 tuổi).

– Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu…).

Hướng dẫn điều trị triệu chứng

– Nếu sốt cao ≥ 38,5 độ C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.

– Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.

Cần lưu ý, tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ. Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

– Bù dịch sớm bằng đường uống: Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối.

– Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sôcôla…

– Lượng dịch khuyến cáo: Uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng một vài giờ. 

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình 150-450G/L. Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L. 

“Người bệnh cần đi khám ngay nếu tiểu cầu giảm nhanh, có biểu hiện xuất huyết (chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da…), có hiện tượng cô đặc máu (chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan…). Việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5G/L hoặc có biểu hiện chảy máu”, PGS Cường nhấn mạnh. 

8 đối tượng nên nhập viện ngay khi mắc sốt xuất huyết - 2

Share

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *