7 bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến thính lực

Viêm tai giữa, nghe kém, điếc là biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, viêm màng não do não mô cầu, cúm…

Khoa Nhi Bệnh viện Tâm Anh TP HCM vừa tiếp nhận bé trai bốn tháng tuổi trong tình trạng sốt cao không hạ, ho, bú kém, tai chảy dịch. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc cúm gây viêm đường hô hấp trên kèm viêm tai giữa. Bác sĩ Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC – khuyên mọi người chủ động tiêm ngừa, phòng 7 mầm bệnh gây ảnh hưởng thính lực dưới đây:

Cúm

Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp này do virus cúm gây ra, có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, nhưng có khả năng dẫn đến loạt biến chứng nghiêm trọng ở người mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa, suy giảm miễn dịch, cá nhân trên 65 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi hay phụ nữ mang thai…

Cúm có thể gây viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại North Carolina năm 2014 ghi nhận virus cúm kích thích khuynh hướng xâm lấn của một loại vi khuẩn thường trú ở mũi trẻ gây viêm tai giữa.

Đặc tính cúm thường thay đổi theo mùa, dễ bùng phát khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho cúm lưu hành quanh năm. Do đó, nguy cơ viêm tai giữa do cúm cũng có thể xảy ra suốt 12 tháng.

Cần tiêm nhắc vaccine cúm mỗi năm, áp dụng cho người từ 6 tháng tuổi trở lên. Phụ nữ có thể tiêm cúm trước và trong khi mang thai.

Các bệnh truyền nhiễm có thể làm giảm thính lực hoặc gây điếc ở người mắc. Nguồn: Baby Gooroo
Các bệnh truyền nhiễm có thể làm giảm thính lực hoặc gây điếc ở người mắc. Nguồn: Baby Gooroo

Phế cầu

Theo thống kê của CDC Mỹ, phế cầu chiếm 20% tổng nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp tính ở trẻ. Cứ 100 bé nhiễm phế cầu, có khoảng 30-40 trường hợp diễn tiến viêm tai giữa cấp.

Viêm tai giữa tái phát nhiều lần có thể dẫn đến viêm xương chũm (sau tai), viêm mê nhĩ (tai trong). Ở một số nước, viêm tai giữa do phế cầu được ghi nhận diễn tiến thành biến chứng trong sọ như: viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối…

Vaccine phế cầu được chỉ định cho người từ 6 tuần tuổi trở lên, tùy độ tuổi sẽ có lịch tiêm khác nhau.

Não mô cầu

Viêm màng não do mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính với khoảng 50% bệnh nhân tử vong nếu không điều trị kịp thời. Trường hợp khỏi, điếc là một trong số di chứng thường thấy, bên cạnh tổn thương khác liên quan hệ thần kinh, tuần hoàn, xương khớp, cơ bắp…

Khoảng 5-10% người nhiễm não mô cầu ở hầu, họng và không có triệu chứng. Nguồn này dễ lây, lan rộng ra cộng đồng.

Vaccine não mô cầu được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi, tùy độ tuổi sẽ có lịch tiêm khác nhau.

Hib

Haemophilus là trực khuẩn gram âm thường trú ở đường hô hấp trên. Trong đó, chủng Haemophilus influenzae type b (Hib) thường gây bệnh nhiễm trùng xâm lấn.

Haemophilus luôn nằm trong nhóm nguyên nhân phổ biến gây viêm tai giữa ở trẻ lẫn người lớn. Đồng thời Hib còn có khả năng dẫn đến viêm màng não – một trong những bệnh có thể diễn tiến từ viêm tai giữa.

Trẻ hai tháng tuổi trở lên có thể tiêm vaccine phối hợp 5 trong 1, 6 trong 1 chứa thành phần phòng Hib hoặc vaccine phòng Hib đơn.

Tiêm vaccine các bệnh truyền nhiễm là biện pháp phòng ngừa các biến chứng ảnh hưởng đến thính lực. Ảnh: Nhật Linh
Tiêm vaccine các bệnh truyền nhiễm là biện pháp phòng ngừa các biến chứng ảnh hưởng đến thính lực. Ảnh: Nhật Linh

Sởi, quai bị, rubella

Sởi do siêu virus sởi gây ra, có tỷ lệ lây lan cao qua đường hô hấp, nước mũi, nước bọt của người mang mầm bệnh, nhất là với người chưa có miễn dịch. Bệnh lý này nguy hiểm vì có thể gây viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản – phổi hay viêm màng não.

Quai bị cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp qua đường hô hấp, có biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là thể viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh có thể gây biến chứng viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não, viêm màng não, viêm tụy, điếc tai.

“Trong đó, điếc tai khá hiếm gặp, thường điếc một bên. Bệnh lý do quai bị thường là điếc không hồi phục”, bác sĩ Bạch Thị Chính nói.

Rubella (còn gọi sởi Đức) có nhiều biểu hiện giống sởi nhưng nhẹ hơn. Tuy nhiên, bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật nặng nề cho thai nhi như: đục thủy tinh thể, điếc, khuyết tật tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ.., thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.

Hiện có ba loại vaccine phối hợp ngừa sởi – quai bị – rubella, tiêm cho người từ 12 tháng tuổi trở lên. Phụ nữ nên tiêm vaccine này trước khi mang thai ít nhất ba tháng.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần giữ vệ sinh chung như: rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung đồ ăn uống, che miệng khi ho, hắt hơi, giữ ấm vào mùa lạnh, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và vận động khoa học. Có thể tăng sức đề kháng trẻ bằng cách cho con bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời.

Hiện gần 130 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước có hơn 40 loại vaccine, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở trẻ lẫn người lớn. Tất cả vaccine được bảo quản trong hệ thống đạt chuẩn quốc tế. Mọi cá nhân được khám sàng lọc, hỗ trợ nhắc lịch tiêm miễn phí.

Share

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *